Không chỉ là Tết đoàn viên, dịp đầu xuân năm mới còn là "mùa" của những lễ hội. Trong dịp này, mỗi địa phương trên toàn dải đất chữ S, đặc biệt là ở những làng quê Việt Nam sẽ tổ chức các lễ hội truyền thống với nhiều trò chơi dân gian thú vị. Ở xã hội hiện đại ngày nay, các trò chơi dân gian dường như không còn được nhiều người biết đến song ở nhiều làng quê, những trò chơi này vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm, đặc biệt là vào dịp hội làng giúp những người thân, người hàng xóm có cơ hội gắn kết với nhau hơn.
Mỗi địa phương sẽ tổ chức những trò chơi dân gian khác nhau theo sở thích và đặc điểm của từng vùng miền. Tuy nhiên hiện vẫn có một số trò dân gian nổi bật mà chắc hẳn ai cũng đều biết.
Kéo co là trò chơi phổ biến tại Việt Nam, không chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán mà còn là những dịp như hội làng hay những hoạt động vui chơi thường ngày. Không chỉ thể hiện nét đẹp văn hóa, kéo co còn là trò chơi đề cao tinh thần tập thể, sự đoàn kết của người chơi.
Đây là trò chơi khá đơn giản với đạo cụ là một chiếc dây thừng. Mỗi phần thi kéo co thường sẽ có 3 hiệp thi đấu, đội nào giành chiến thắng trong 2 hiệp đấu sẽ là đội giành chiến thắng. Trò chơi dân gian này đòi hỏi số lượng người chơi lớn, chia đều thành 2 đội.
Thành viên mỗi đội sẽ đứng ở hai bên đầu dây, đợi hiệu lệnh từ trọng tài rồi ra sức kéo dây về phía đội mình. Ở giữa dây thừng thường sẽ được buộc một chiếc khăn màu đỏ và kẻ một vạch mốc ở phần sân. Đội nào kéo được phần khăn buộc qua vạch mốc thì sẽ giành chiến thắng.
Đi cầu kiều là một trò chơi dân gian nổi tiếng ở vùng đồng bằng Bắc bộ, tuy nhiên hiện tại còn rất ít nơi tổ chức trò chơi này.
Trò chơi thường được tổ chức ở các làng, quê có ao đình hay giếng làng. Người dân sẽ chọn một thân tre to và thẳng, một đầu buộc trên bờ và đầu còn lại buộc vào đầu cọc ở giữa ao. Phía cuối thân tre sẽ được treo một bao lì xì đỏ hoặc một phần quà. Người chơi nếu đi hết từ trong bờ ao ra đến chỗ cuối cầu treo đó sẽ được nhận bao lì xì hoặc một phần quà.
Đây là trò chơi rất thú vị nhưng cũng rất khó, đòi hỏi người chơi phải giữ được thăng bằng tốt. Trò chơi này đem lại rất nhiều tiếng cười cho người xem bởi nhiều người chơi bị ngã xuống ao khi chưa lấy được giải thưởng. Có người vừa kịp túm lấy giải thì cũng là lúc bị rơi xuống nước. Mặc dù trò chơi dân gian này khá vất vả song nhiều người vẫn rất thích thú khi tham gia.
Đập niêu là trò chơi dân gian phổ biến nhất mỗi dịp Tết đến xuân về, đặc biệt là ở các vùng miền quê phía Bắc. Trò chơi thường được tổ chức ở những không gian rộng rãi và thu hút nhiều người chơi.
Đạo cụ của trò chơi dân gian đập niêu rất đơn giản, bao gồm niêu đất, một chiếc gậy đập và những chiếc cột được buộc lại làm giá treo niêu. Mỗi chiếc niêu đất sẽ được buộc cách mặt đất khoảng từ 3-5m và có kẻ vạch cho người tham gia.
Người tham gia trò chơi đập niêu sẽ được bịt mắt bằng khăn vải và cầm trên tay một chiếc gậy đập niêu. Mỗi người tham gia sẽ đứng ở vạch xuất phát. Trước khi bịt mắt, người chơi được quan sát và ước lượng sao cho cú đập trúng đích niêu. Mỗi lượt chơi sẽ chỉ có 1 lần đập duy nhất và người chơi sẽ cố gắng xác định vị trí của niêu đất theo trí nhớ và "niềm tin" của mình. Trong quá trình tham gia, người xem cũng sẽ giúp cho người chơi rất nhiều bằng những lời chỉ dẫn. Phần thưởng dành cho người thắng ở cuộc chơi này thường rất lớn.
Và còn rất nhiều những trò chơi dân gian khác trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam đã được học sinh Trường THCS Ngọc Hồi tìm hiểu trong tiết sinh hoạt dưới cờ.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của học sinh lớp 7A3
Thông qua buổi sinh hoạt dưới cờ với chủ đề về các trò chơi dân gian trong dịp Tết Nguyên đán, Nhà trường mong muốn các bạn học sinh sẽ hiểu hơn về những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ đó, có ý thức bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, thêm yêu nước, yêu con người Việt Nam.