Địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi là địa danh ghi lại những chiến thắng vang dội của vua Quang Trung và nghĩa quân nhà Tây Sơn trong trận đánh đánh quân xâm lược nhà Thanh do Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) Tôn Sĩ Nghị chỉ huy diễn ra tại đồn Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, góp phần làm lên chiến thắng lịch sử vang dội Đống Đa - Ngọc Hồi của quân dân nước Việt, góp phần làm phong phú học thuyết quân sự Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi xuân Kỷ Dậu (1789) là tên gọi chính thức của di tích.
Thanh trì là vùng đất danh hương địa linh nhân kiệt. Theo các thư tịch cổ thì vùng đất này xưa kia có tên là Long Đàm. Vào thế kỷ X, một trong thập nhị sứ quân Nguyễn Siêu chiếm đóng và cát cứ tại Tây Phù Liệt.
Đến thời thuộc Minh, địa danh Long Đàm đổi theo thành Thanh Đàm (đầm nước trong) thuộc châu Phúc Yên. Sang thời Lê, niên hiệu vua Lê Thế Tông (1573 - 1599), Thanh Đàm được gọi thành Thanh Trì và tên gọi này tồn tại đến ngày nay.
Theo dòng lịch sử, trước cách mạng tháng Tám năm 1945, huyện Thanh Trì thuộc Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1949 đến năm 1954, huyện Thanh Trì và Thanh Oai nằm trong quận Văn Điển của thành phố Hà Nội. Năm 1956, 2 huyện này được trả về tỉnh Hà Đông và sau đó là tỉnh Hà Tây.
Ngày 20/4/1961, Quốc hội ban hành Nghị Quyết về việc mở rộng thành phố Hà Nội, theo đó, huyện Thanh Trì được sáp nhập vào Hà Nội (trừ 4 xã: Liên Ninh, Việt Hưng (Ngọc Hồi), Đại Thanh (Tả Thanh Oai), Thanh Hưng (Đại Áng) nhập vào huyện Thường Tín; 4 xã Hữu Hòa, Kiến Hưng, Cự Khê, Mỹ Hưng nhập vào huyện Thanh Oai.
Ngày 31/5/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 78-CP về việc chia các khu vực nội thành và ngoại thành của thành phố Hà Nội. Theo Quyết này, huyện Thanh Trì được thành lập trên cơ sở hợp nhất huyện Thanh Trì cũ và quận VII cũ, gồm thị trấn Văn Điển và 21 xã: Ngũ Hiệp, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Tuy, Yên Mỹ, Yên Sở, Đại Kim, Định Công, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Khương Đình, Lĩnh Nam.
Ngày 17/2/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 49-CP điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội.
Theo đó, 4 xã Liên Ninh, Ngọc Hồi, Đại Áng, Tả Thanh Oai của huyện Thường Tín và xã Hữu Hòa của huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Sơn Bình sáp nhập vào huyện Thanh Trì. Từ đó, huyện Thanh Trì có 27 xã và thị trấn.
Ngày 26/10/1990, xã Hoàng Văn Thụ được điều chuyển về quận Hai Bà Trưng để thành lập phường Hoàng Văn Thụ. Năm 2004, phường Hoàng Văn Thụ lại chuyển về quận Hoàng Mai.
Ngày 22/11/1996, Chính phủ ban hành Nghị định 74-CP về việc thành lập quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Khương Đình, huyện Thanh Trì thuộc quận Thanh Xuân quản lý. Khi đó, huyện Thanh Trì gồm thị trấn Văn Điển và 24 xã: Đại Áng, Đại Kim, Định Công, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hoàng Liệt, Hữu Hòa, Liên Ninh, Lĩnh Nam, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Tuy, Yên Mỹ, Yên Sở.
Ngày 6 /11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các quận, 9 xã Đại Kim, Định Công, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Yên Sở, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú và 55ha diện tích tự nhiên của xã Tứ Hiệp cùng với 5 phường của quận Hai Bà Trưng gồm Tương Mai, Tân Mai, Mai Động, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ thuộc quận Hoàng Mai. Sau khi chia tách, huyện Thanh Trì còn 16 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Văn Điển và 15 xã.
Theo sách “Tên làng xã Việt Nam cuối Thế kỷ XIX” thì làng Ngọc Hồi trước Cách mạng thuộc tổng Cổ Điển, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Làng nằm ở cửa ngõ phía Nam thủ đô, có đầu mối giao thông thuỷ bộ quan trọng với con đường thiên lý gọi là "đường Quai" (đường cái cao) từ Quán Gánh, Duyên Trường, Hạ Thái qua Yên Kiện đến Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh) vào Chợ Mơ.
Đầu thế kỷ XIII, làng Ngọc Hồi có tên là Vĩnh Khang, dân cư đông đúc do ba anh em ông Bảo Công, Ả Mô nương và Nhị Mô nương cai quản, trở thành một thế lực quân sự mạnh, ảnh hưởng đến cơ nghiệp của nhà Trần, nên đã mang quân đến trấn dẹp xong đều thất bại. Sau Bảo Công đem quân của mình quy phục triều Trần, được gia phong làm tướng và lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Nguyên- Mông.
Sau khi hóa, Vua Trần phong tặng Bảo Công là Quảng hoá đại vương, Ả Mô nương là Ả Mô công chúa và Nhị Mô nương là Nhị Mô công chúa, chuẩn cho làng Ngọc Hồi đời đời thờ phụng. Cuối thế kỷ XVIII, mảnh đất Ngọc Hồi đã đi vào lịch sử đất nước với trận công phá đồn Ngọc Hồi vào rạng sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu, làm lên địa danh in đậm trong lịch sử dân tộc.
Theo các tài liệu lịch sử ghi lại thì từ khi vua Lê Chiêu Thống lên ngôi tại Kinh đô Thăng Long trong bối cảnh Chúa Trịnh vừa bị diệt, muốn lấy lại quyền hành về tay, nhưng liên tiếp bị các tướng áp chế để lập lại họ Trịnh.
Lê Chiêu Thống triệu Nguyễn Hữu Chỉnh về đánh, trừ được họ Trịnh thì lại đến lượt Nguyễn Hữu Chỉnh lộng hành. Tháng 5 năm 1788, Lê Chiêu Thống cùng các bầy tôi sang cầu viện nhà Thanh phát binh đánh Tây Sơn. Vua Càn Long nhân cơ hội đánh chiếm Đại Việt bèn sai Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị mang khoảng 20 vạn quân và dân binh chia làm 3 đường tiến vào Đại Việt.
Lê Chiêu Thống được tin quân Tây Sơn rút khỏi các trấn, bèn điều các tướng dưới quyền đi chiếm lại những nơi đó. Giữa tháng 11 năm 1788, quân Thanh tới bờ Bắc sông Thương. Quân Tây Sơn rút về bờ <st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region> nhưng chặt phá hết cầu và lấy hết thuyền bè. Theo sách “Thánh vũ ký”, phần "Càn Long chinh phủ An <st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region> ký" của Ngụy Nguyên, quân Thanh đã tổn thất khá nhiều mới bắc được cầu qua sông do đạn của quân Tây Sơn bắn sang trước khi rút hẳn.
Quân Thanh tiến đến Thị Cầu, Phan Văn Lân đã chặt cầu và tận dụng bờ nam cao hơn bờ bắc mà bắn đại bác sang khiến quân Thanh mất 3 ngày (15 đến 17 - 11) không bắc nổi cầu. Nửa đêm 17 tháng 11, Phan Văn Lân mang một ngàn quân bản bộ theo khúc sông Cầu định tập kích trại Tôn Sĩ Nghị nhưng bị thiệt hại do hoả lực của quân Thanh bắn ra.
Trong khi đó, lục quân của Ngô Văn Sở cũng rút về tới Ninh Bình cố thủ. Ngày 20 tháng 11, quân Tây Sơn đóng đồn từ Tam Điệp tới Biện Sơn, Ngô Văn Sở cho Đô đốc Tuyết vào Nam cấp báo với Bắc Bình vương Nguyễn Huệ.
Lúc này, Tôn Sĩ Nghị bố trí quân Thanh đóng ở phía nam tới phía tây thành Thăng Long, cho đạo quân Lưỡng Quảng đóng hai bên bờ sông Hồng, quân Điền châu đóng ở Khương Thượng, quân Vân Quý đóng ở Sơn Tây. Ở Thăng Long chểnh mảng phòng thủ, thường đi cướp bóc hãm hại dân Đại Việt nên bị oán ghét.
Tôn Sĩ Nghị ban đầu chủ quan, sau nghe lời cảnh báo của các tướng dưới quyền Lê Chiêu Thống cũng quyết định ngày 6 tháng Giêng sẽ ra quân đánh Tây Sơn. Để tăng cường phòng thủ, Nghị bố đồn Ngọc Hồi, đồn Hà Hồi, đồn Nhật Tảo, Nguyệt Quyết (Hà <st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region>). Quân Cần vương của Chiêu Thống do Hoàng Phùng Tử chỉ huy cũng được điều từ Sơn Tây xuống Gián Khẩu làm tiền đồn chặn quân Tây Sơn.
Quân Thanh đồng thời cũng tụ tập thêm được các Hoa Kiều sống ở phía Bắc Đại Việt được chừng một vạn người đóng thành một trại, nhóm quân này ỷ thế đi cướp phá và hãm hiếp không kiêng sợ gì ai, dù có ra sắc lệnh nghiêm quân kỷ nhưng vì quân kiêu nên cũng không có tác dụng.
Nhận được tin cấp báo, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (22/12/1788) , Nguyễn Huệ xuất quân thần tốc tiến ra Bắc Hà. Để lấy danh nghĩa chính thống, Nguyễn Huệ quyết định lên ngôi Hoàng đế và tức tốc cho lập đàn Nam Giao ở núi Bân (cạnh núi Ngự Bình) làm lễ tế trời đất, tuyên bố lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang và tuyên Chiếu:
“Nước Việt ta từ đời Đinh, Lê, Lý, Trần gây dựng ra nước cho đến ngày nay, thánh minh dấy lên không phải là một họ, nhưng thịnh suy, dài ngắn, vận mệnh do trời, không phải sức người tạo ra được. Trước đây nhà Lê mất chính quyền, họ Trịnh và cựu Nguyễn chia bờ cõi. Hơn hai trăm năm nay, kỷ cương rối loạn, vua Lê chỉ là hư vị, cường thần tự ý vun trồng, giềng mối của trời đất một phen rơi xuống không nâng lên được, chưa có lúc nào hư hỏng quá như lúc này vậy. Vả lại mấy năm gần dây, nam bắc gây việc binh đao, nhân dân rơi vào chốn bùn than
Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc, bỏ nước đi bôn vong, sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, chỉ trông mong vào trẫm, về phần đại huynh Nguyễn Nhạc có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phủ Quy Nhơn, tự nhún xưng là Tây Vương, mấy nghìn dặm đất về phương nam thuộc hết về trẫm. Trẫm tự nghĩ tài đức không bằng người xưa, mà đất đai thì rộng, nhân dân thì nhiều, ngẫm nghĩ cách thống trị, lo ngay ngáy như dây cương mục chỉ huy sáu ngựa.
Nay xem khí thần rất hệ trọng, ngôi trời thật khó khăn, trẫm chỉ lo không kham nổi, nhưng ức triệu người trong bốn bể đều xúm quanh cả vào thân trẫm, đó là ý trời đã định, không phải do người làm ra. Trẫm nay ứng mệnh trời, thuận lòng người không thể khăng khăng cố giữ sự khiêm nhường.
Trẫm chọn ngày 22 tháng 11 năm nay lên ngôi Thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung năm đầu, truyền bảo cho trăm họ muôn dân phải tuân thủ theo giáo lệnh của nhà vua. Nhân nghĩa, trung chính là đạo lớn của người, trẫm nay cùng dân đổi mới, vâng theo mưu mô sáng suốt của vua thánh đời trước, lấy giáo hóa trị thiên hạ”.
Trên đường tiến quân ra Bắc, Quang Trung chia quân làm 5 đạo: Tiền, Hậu, Tả, Hữu và Trung quân. Ông phân quân cũ cho các tướng còn tự mình chỉ huy số quân mới tuyển để những người lính mới yên tâm chiến đấu. Các giáo sĩ phương Tây khi nhìn thấy đạo quân Tây Sơn này đã mô tả họ tàn tạ như những bệnh nhân do cuộc hành quân gấp gáp (dù họ chưa phải chiến đấu trận nào).
Đạo quân do Quang Trung chỉ huy có Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân làm tiên phong, có cả tượng binh và kỵ binh đánh vào chính mặt nam Thăng Long; Đạo do Đô đốc Bảo chỉ huy, cũng có tượng binh và kỵ binh theo đường Ứng Hòa ra Đại Áng, phối hợp với cánh quân Quang Trung đánh Ngọc Hồi của Hứa Thế Hanh; Đạo do Đô đốc chỉ huy có tượng binh và kỵ binh theo đường Chương Đức, hướng lên Sơn Tây nhưng sẽ rẽ quặt sang làng Nhân Mucjtaapj kích đồn Khương Thượng của Sầm Nghi Đống và tiến vào Thăng Long từ hướng Tây.
Ngày 30 tháng chạp, Quang Trung cho quân ăn tết trước rồi hạ lệnh tiến quân. Ông hẹn với ba quân mồng 7 tháng Giêng âm lịch sẽ vào ăn tết ở Kinh thành Thăng Long. Ngày 3 tháng Giêng, quân Tây Sơn tiến đến Hà Hồi cách Thăng Long khoảng 20 km. Quang Trung cho quân vây chặt đồn rồi sai bắc loa kêu gọi quân Thanh đầu hàng. Quân Thanh bị bất ngờ trước sự áp sát quá nhanh của quân Tây Sơn, không kịp kháng cự, đều ra hàng.
Ngày 4 tháng Giêng, Quang Trung tiến đến đồn Ngọc Hồi. Tướng Hứa Thế Hanh ở đây nghe tin đồn Hà Hồi bị diệt vội báo về Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị vội điều Thanh Hùng Nghiệp mang quân ra tăng viện, lại đặc sai 20 kỵ binh phải thay nhau chạy đi chạy lại báo cáo tình hình.
Khi tiến quân tới Ngọc Hồi, Quang Trung không đánh ngay. Quân Thanh bị động cũng không dám giao tranh trước nhưng cũng không biết bị đánh khi nào. Cả ngày mùng 4, Quang Trung chỉ cho quân hư trương thanh thế để uy hiếp tinh thần quân Thanh và gây sự chú ý của quân Thanh tới đạo quân do ông chỉ huy vào mặt trận Ngọc Hồi để tạo điều kiện cho yếu tố bất ngờ của các đạo quân đô đốc Long và đô đốc Bảo. Chính Tôn Sĩ Nghị nghe báo cáo của kỵ binh cũng bị hút vào đồn Ngọc Hồi mà không nhận ra nguy cơ từ cánh quân của đô đốc Long.
Sáng mồng 5 Tết, khi đô đốc Long tiến vào Thăng Long, Tôn Sỹ Nghị đã bỏ chạy, Quang Trung hạ lệnh đánh đồn Ngọc Hồi. Theo “Đại Nam chính biên liệt truyện”, đồn này được Tôn Sĩ Nghị quan tâm phòng thủ nhất, có phó tướng Hứa Thế Hanh đích thân ra chỉ huy. Đồn có hỏa lực mạnh, xung quanh có địa lôi và chông sắt. Để phá hỏa lực địch, Quang Trung làm sẵn 20 tấm mộc đỡ đạn có tẩm rơm ướt dàn đi trước.
Theo “Lê quý kỷ sự và Việt sử Thông giám cương mục”, mờ sáng mùng 5, 100 voi chiến Tây Sơn tiến lên. Ngựa quân Thanh sợ voi lui lại, giẫm lên nhau, lùi về đồn. Quân Thanh không dám ra nữa, cố thủ trong đồn bắn ra. Quang Trung chia tượng binh làm hai cánh, một cánh vòng qua sau đồn Ngọc Hồi, đóng phía đông đê Yên Duyên để chặn đường địch rút; cánh kia dùng mộc tẩm rơm ướt tiến lên hãm đồn. Đại bác quân Thanh bị vô hiệu lực. Quân Tây Sơn tiến vào đồn hỗn chiến. “Đại <st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region> chính biên liệt truyện” mô tả, quân Thanh không chống nổi chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi chính mình đặt từ trước nên bị chết rất nhiều. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy.
Quân Thanh từ đồn Ngọc Hồi chạy tới đê Yên Duyên, trông thấy phục binh Tây Sơn chặn đánh, phải chạy theo đường Vịnh Kiều trốn về Thăng Long. Nhưng chạy tới nửa đường thì gặp cánh quân đô đốc Bảo đánh tới từ làng Đại Áng. Quân Thanh phải chạy lên làng Quỳnh Đô định trốn vào đầm Mực.
Như vậy toàn bộ hệ thống đồn do Tôn Sĩ Nghị thiết lập để phòng thủ ở nam Thăng Long đều bị quân Tây Sơn tiêu diệt. Theo “Thánh vũ ký” của Ngụy Nguyên, các tướng Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng đều tử trận. Cũng theo “Thánh vũ ký”, đạo quân Vân Nam - Quý châu đóng ở Sơn Tây được tin các đồn thất thủ, tướng Ô Đại Kinh không giao chiến trận nào đã bỏ chạy, nhờ tướng người Việt là Hoàng Văn Đồng dẫn đường chạy về Trung Quốc.
Chiều mồng 5 tết Kỷ Dậu (1789), vua Quang Trung và đô đốc Bảo tiến vào Thăng Long trong sự chào đón của nhân dân, đô đốc Long ra đón rước vào thành. “Đại <st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region> chính biên liệt truyện” mô tả, áo bào của Quang Trung sạm màu khói súng.
Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bị hai cánh quân Tây Sơn của đô đốc Tuyết và đô đốc Lộc chặn đánh ở Hải Dương và Phượng Nhãn, tơi tả chạy về Bắc quốc, bỏ lại cả quân ấn, kỳ bài, sắc thư. Lê Chiêu Thống cùng một số cận thần cũng vội chạy theo thoát sang bên kia biên giới.
Như vậy sớm hơn dự kiến, chỉ trong vòng 6 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Thanh. Cánh quân Điền Châu gần như bị diệt hoàn toàn, cánh quân Lưỡng Quảng chủ lực bị thương vong nặng và tan rã gần hết, riêng quân Vân Nam - Quý châu không giao chiến mà rút êm về nước. Quang Trung đã hẹn với ba quân mồng 7 vào ăn tết ở Thăng Long nhưng chỉ đến mồng 5, quân Tây Sơn đã khải hoàn ở kinh thành.
Có thể nói rằng, để có trận đánh quyết định hạ thành Thăng Long, Hoàng đế Quang Trung đã lần lược hạ những đồn quan trọng, trong đó có đồn Ngọc Hồi, góp phần Tổng công kích vào trận trọng điểm Đống Đa.
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi gắn bó mật thiết với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, với nghĩa quân Tây Sơn quật cường cùng nhân dân Ngọc Hồi dũng cảm, quên mình đánh đuổi quân Thanh xâm lược vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789).
Lịch sử còn ghi lại, vào những ngày Tết cận kề năm Kỷ Dậu (1789), tướng Tôn Sĩ Nghị cùng quân lính mải mê chuẩn bị ăn Tết thì cũng là lúc người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trịnh trọng làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu Quang Trung, rồi thân chinh thống lĩnh đại quân lập tức xuất quân tiến ra Bắc.
Sau khi nắm bắt tình hình, biết được thời cơ đã đến, vua Quang Trung quyết mở cuộc tập kích chiến lược với sự tham gia của toàn bộ quân và đánh trong một khoảng thời gian mà quân địch buông lỏng nhất. Vua Quang Trung dự tính và nói với tướng lĩnh "Lần này ta ra thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chằng qua mười ngày, có thể đuổi được người Thanh" .
Về phía quân giặc, mặc dù lo ăn Tết nhưng Tôn Sĩ Nghị vẫn giữ ý đồ tấn công sau khi qua Tết, nên đã bố trí quân giữ một số trấn ở Bắc Hà vừa để phòng ngự vừa chuẩn bị tiến công.
Do đó, Tôn Sĩ Nghị đã chú ý thiết lập đồn lũy, chia quân đóng giữ. Đồn Ngọc Hồi là cứ điểm quan trọng, then chốt nhất, có vai trò quyết định cho toàn bộ cuộc chiến này.
Nhận rõ được tầm quan trọng của đồn Ngọc Hồi, vua Quang Trung quyết định chọn vị trí này để tấn công nhằm tiêu diệt phần lớn sinh lực địch để giành thắng lợi quyết định cuối cùng. Chỉ trong buổi rạng sáng mùng 5 Tết, toàn bộ quân địch ở đồn Ngọc Hồi bị tiêu diệt, mở đường giải phóng kinh thành Thăng Long.
Có thể nói rằng, chiến thắng Ngọc Hồi mang ý nghĩa kết thúc cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Chiến thắng này đã đi vào lịch sử dân tộc như những chiến công chói lọi nhất, biểu trưng cho trí tuệ, cho sức mạnh phi thường của dân tộc Việt <st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region>. Và chiến thắng Ngọc Hồi còn in đậm sự đóng góp tài vật của nhân dân Ngọc Hồi, từ lương thực, binh khí cho đến thanh niên, cụ già hăng hái gia nhập nghĩa quân đánh giặc.
Từ đó trở đi hàng năm, cứ vào ngày mồng 4 Tết âm lịch, lễ hội này được coi là lễ hội sớm nhất trong năm của huyện Thanh Trì, nhân dân lại nô nức tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi. Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi còn liên quan chặt chẽ với lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đống Đa được tổ chức vào ngày mùng 5 Tết âm lịch. Do vậy, nhân dân thường gọi là lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi được Huyện ủy, UBND huyện Thanh Trì chỉ đạo tổ chức 5 năm một lần với đầy đủ các nghi lễ. Còn những năm khác giao xã Ngọc Hồi tổ chức dâng hương.
Thường thì lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi được Đảng ủy, HĐND và UBND huyện Thanh Trì trực tiếp chỉ đạo và tổ chức, bởi đây là một lễ hội kỷ niệm vô cùng quan trọng của nhân dân trong huyện, do vậy, từ chương trình, nội dung, địa điểm tổ chức và đơn vị thực hiện qui định rất chặt chẽ với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng thu hút hàng vạn người trong và ngoài huyện tham gia. Ngày diễn ra lễ hội, còn có nhiều đoàn từ các nơi về dâng hương tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ.
Theo lịch trình, sáng ngày mùng 4 Tết, khoảng 7h30, sáu đội kiệu của các xã Liên Ninh, Ngũ Hiệp, Đông Mỹ, Ngọc Hồi, Đại Áng và Vĩnh Quỳnh rước kiệu tập kết tại di tích Quang Trung, xã Ngọc Hồi.
Các cụ bô lão (trong đó có 20 cụ ăn mặc trang phục truyền thống) cùng khối Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể nhân dân xã Ngọc Hồi cùng với các cháu học sinh mặc trang phục. Hai đội múa rồng cùng đội múa sênh tiền, múa bồng, múa lân của các xã Vĩnh Quỳnh, Tân Triều, Thanh Liệt với đạo cụ đầy đủ và trang phục truyền thống cũng lần lượt tập kết tại di tích Quang Trung.
Từ 8h30 đến 9h đón tiếp khách về dâng hương tại di tích và chùa Ngọc Hồi. 9h Văn nghệ chào mừng, thường do Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca của Trung tâm văn hóa đảm trách. Sau văn nghệ chào mừng là tuyên bố lý do tổ chức lễ hội và giới thiệu khách quí rồi đọc diễn văn khai mạc. Tiếp đến là phát biểu của lãnh đạo cấp trên. Sau phần lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi trang trọng thì phần hội được tổ chức với các màn biểu diễn múa lân, mùa rồng, múa bồng, múa sinh tiền và biểu diễn võ thuật được tổ chức tưng bừng náo nhiệt. Bên cạnh đó là các trò chơi dân gian cũng được tổ chức như đấu vật, cờ tướng thu hút nhiều người tham gia.
Thanh Trì là huyện có truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng lâu đời với 2 làng khoa bảng là làng Tả Thanh Oai - xã Tả Thanh Oai và làng Nguyệt Áng - xã Đại Áng. Huyện có nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng như: Đô hồ Đại vương Phạm Tu, danh nhân Chu Văn An, người thầy của muôn đời; Bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, danh nhân Ngô Thì Nhậm...
Huyện Thanh Trì là một trong các địa danh có nhiều di tích di tích, trong đó có 82 di tích được xếp hạng di tích Lịch sử - Văn hóa tiêu biểu như: Đền Bà Tía, chùa Tự Khoát, chùa Đại Lan, chùa Huỳnh Cung, đình Huỳnh Đô, đình Ngọc Hồi, chùa Ngọc Hồi, định Đại Áng, Chùa Linh Ứng, chùa Quang Ân...
Đồng thời, Thanh Trì còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như: Múa Lân, múa Rồng, múa Sênh tiền, múa Bồng và các Lễ hội truyền thống của địa phương nơi đây.
Địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi xuân Kỷ Dậu (1789) là một điểm sáng nổi bật của huyện Thanh Trì, nơi ghi dấu chiến thắng vang dội của Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ và nghĩa quân Tây Sơn và nhân dân Ngọc Hồi trong việc dánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh.
Hiện nay, vết tích của hệ thống đồn luỹ Ngọc Hồi được xác định qua các địa danh Đồng Đồn, Nền Đồn, Cây đa Đồn. Vua Quang Trung đầu chít khăn vàng, cưỡi voi đích thân chỉ huy đội quân cảm tử, có các bức ván gỗ bện rơm ngấm nước phủ kín làm áo giáp, dàn hàng ngang đồng loạt tấn công vào đồn. Quân Thanh bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết. Số sống sót chạy về phía Bắc làng Ngọc Hồi. Một cuộc quyết chiến diễn ra tại đây. Sử cũ ghi lại, "thây giặc nằm đầy đồng, máu chảy thành suối". Tại các địa danh minh chứng thêm: Gò Mả Cả, Mả Ngô là nơi chôn xác giặc, "Ao máu" là nơi máu giặc ngập ngụa. Các tướng giặc là Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long đều tử trận. Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử. Quân Tây Sơn thừa thắng tiến vào Khương Thượng - Đống Đa, giải phóng kinh thành Thăng Long vào chiều mồng 5 Tết.
Chiến thắng Kỷ Dậu (1789) là một trong những trận chiến chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng được các nhà nghiên cứu Việt Nam như đánh giá là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung Nguyễn Huệ. Chiến thắng này đã chặn đứng ý định xâm chiếm Đại Việt của nhà Thanh dưới thời Càn Long thịnh trị.
Trong suốt cuộc hành quân Bắc tiến, đạo quân chủ lực do đích thân Quang Trung chỉ huy chính là đạo quân giao chiến nhiều nhất, liên tiếp hạ các đồn Gián Khẩu, Nguyệt Quyết, Nhật Tảo, Hà Hồi, Ngọc Hồi.
Thấy quân Tây Sơn tiến quân thần tốc và bị choáng váng vì mất liền mấy đồn từ Hà Hồi về phía <st1:country-region w:st="on">Nam</st1:country-region> nên quân Thanh sẵn sàng chờ nghênh chiến ở Ngọc Hồi - ngoài cửa ngõ Thăng Long. Việc Quang Trung hành quân thần tốc và hạ các đồn tiền tuyến mau lẹ khiến quân Thanh ở Ngọc Hồi bị động, không dám chủ động tác chiến. Đó chính là sự biến ảo nhất trong chiến thuật quân sự của Quang Trung tại lần Bắc tiến này.
Theo sách của Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Tụng thì trong các trận đánh, mũi tên đồng của nghĩa quân bay rất nhanh, từng xuyên thủng liên tiếp các rào cản và bất chợt dừng lại trước đồn Ngọc Hồi. Quang Trung thực hiện kế hoãn binh, không tiến đánh chỉ phô trương thanh thế, tạo điều kiện cho đạo quân của Đô đốc Long đánh vào đồn Khương Thượng ở sườn tây Thăng Long, chỗ Tôn Sĩ Nghị không đề phòng. Cuộc tập kích bất ngờ và mạnh mẽ của Đô đốc Long khiến đồn Ngọc Hồi, tấm lá chắn quan trọng nhất của Tôn Sĩ Nghị đã thất bại. Quân của Đô đốc Long tung hoành trong Kinh thành khiến binh sĩ quân Thanh ở đồn Ngọc Hồi giảm nhiều nhuệ khí. Đạo quân chủ lực của Quang Trung chỉ sau một hôm đã không gặp trở ngại lớn như ban đầu xuất binh. Đây là thời cơ ông thúc quân đánh chiếm đồn Ngọc Hồi.
Cũng theo theo các nhà nghiên cứu Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng, chiến thuật kết hợp vừa gấp gáp vừa thư thả, giương đông kích tây, tránh chỗ mạnh nhằm chỗ yếu ở Ngọc Hồi đã đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật quân sự. Trong 3 đạo quân Thanh, cánh quân đông và mạnh nhất là cánh quân của Tôn Sĩ Nghị; cánh quân ít và yếu nhất là cánh quân của Điền Châu của Sầm Nghi Đống. Vì vậy, Quang Trung đã chọn mục tiêu đánh vào cánh quân Điền Châu. Xét trên toàn cục, với lực lượng ít hơn, quân Tây Sơn (10 vạn) thực tế chỉ đương đầu với khoảng già nửa số quân Thanh sang Đại Việt nên lực lượng tương đối cân bằng. Quang Trung đã không dàn lực lượng tác chiến cùng lúc với tất cả các cánh quân Thanh (không đụng quân Vân Quý của Ô Đại Kinh) mà vẫn chiến thắng lớn trên toàn mặt trận, đuổi được quân Thanh ra khỏi bờ cõi.
Những trận kịch chiến ở Khương Thượng (hay Đống Đa) và Ngọc Hồi là lớn nhất, ác liệt nhất, mang tính quyết định nhất trong toàn bộ chiến dịch Bắc tiến đánh và tiêu diệt quân Thanh. Vì vậy, mặc dù chiến dịch phá Thanh còn nhiều trận đánh khác nhưng đời sau vẫn thường gọi trận chiến vang dội này là trận Ngọc Hồi - Đống Đa.
Có thể nói, Địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi xuân Kỷ Dậu (1789 là một điểm sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đến với di tích Địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi xuân Kỷ Dậu (1789, mọi người như được hưởng không khí linh thiêng và hào khí anh hùng của cha ông ta thửa xưa, từng mang gươm đi bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của tổ quốc.
Địa điểm chiến thắng Ngọc Hồi xuân Kỷ Dậu (1789) được xếp hạng di tích cấp thành phố năm 2019.